Thị trường xấu là cơ hội với nhiều quỹ đầu tư

Trong khi giới chuyên gia tỏ ra lo ngại trước những bất ổn của kinh tế vĩ mô thì những NĐT cũ đã thành công ở thị trường Việt Nam tỏ ra rất hào hứng khẳng định, còn rất nhiều cơ hội ở Việt Nam. Khoảng 30 NĐT nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại Hội nghị NĐT Việt Nam năm 2011 do Công ty Terappinn tổ chức tại TP. HCM.
Ông Srisant Chilvaranund, quản lý quỹ Aureos Capital (Thái Lan)

Quỹ của chúng tôi đầu tư ở 5 nước, 5 thị trường mới nổi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Khi thành lập quỹ đầu tư thứ nhất, chúng tôi phân bổ đầu tư vào Việt Nam chỉ 10% tài sản của quỹ, vì khi đó, chúng tôi chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Khi thành lập quỹ thứ hai, chúng tôi đã tăng tỷ lệ phân bổ đầu tư vào Việt Nam lên 20% vì chúng tôi nhìn dài hạn vẫn thấy Việt Nam là cơ hội tốt.

Tôi tin vào tương lai tăng trưởng của Việt Nam khi nhìn vào tầng lớp trung lưu. Các nước đang phát triển luôn có bất ổn về kinh tế, nhưng có bất ổn thì mới có cơ hội đầu tư. Các nước châu Á tương đối giống nhau nên kỳ vọng lợi nhuận và rủi ro ở các nước này là như nhau. Vì vậy, NĐT muốn đầu tư vào các quỹ khu vực hơn là giải tiền vào chỉ một nước. Thị trường Việt Nam hiện đang khó khăn, giá cổ phiếu giảm. Tận dụng điều này, NĐT có xu hướng chọn mua một số công ty. Tôi còn nhận thấy một điều là, do lũ lụt ở Thái Lan, nhiều nhà sản xuất Nhật Bản muốn di dời nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam.

Bà Hana Dang, Quỹ đầu tư Bank Invest

Tình hình hiện nay tương tự như năm 2008. Lạm phát cao, NĐT hoảng sợ, thanh khoản thấp. Tuy nhiên, đây là “hiệp 2” với Việt Nam, nên vượt qua sẽ khó khăn hơn. Nhưng nếu các quỹ hiểu đúng chiến lược đầu tư của mình, tìm được công ty quản trị tốt, hướng tới thị trường nội địa thì mọi thứ sẽ rất ổn. Chúng tôi đã đầu tư vào giai đoạn 2008, đến nay, danh mục đầu tư của quỹ vẫn rất tốt.

Tôi thấy vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư để các quỹ lựa chọn ở Việt Nam. Tiền đổ vào thị trường phần lớn qua hoạt động M&A. Nhiều quỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Các khoản đầu tư có giá cả phải chăng hơn so với trước và là thời điểm tốt để làm quen với đầu tư ở Việt Nam. Mỗi quỹ có quan điểm khác nhau về mỗi công ty trong một ngành hàng, tùy theo chiến lược của quỹ, nhưng bài học của chúng tôi là phải hiểu được tầm nhìn của ban quản trị, phải làm việc song hành cùng với ban quản trị để mọi việc tốt hơn. Nói kiểm soát rủi ro thế nào ở Việt Nam rất khó, trừ khi các bạn sâu sát vì nhiều khi, những gì có trong văn bản quy định không có nghĩa nó được thực hiện trong thực tế.

Bà Phạm Vũ Thanh Giang, MeKong Capital

Chúng tôi tin tưởng vào tăng trưởng dài hạn ở thị trường này. Các năm qua, dù tình hình khó khăn, biến động vĩ mô khác nhau nhưng lợi nhuận ròng của quỹ vẫn tăng trưởng 50%/năm. Chúng tôi chỉ tập trung vào các công ty ngành hàng tiêu dùng. Tiêu chí đầu tư là chọn lựa ban quản trị, ban giám đốc tốt, xây dựng quan hệ đối tác giữa hai bên. Chúng tôi thấy còn nhiều cơ hội trong ngành hàng này và chưa thấy có sự cạnh tranh từ các đối thủ của quỹ.

Gần đây, chúng tôi thấy nhiều quỹ có cam kết đầu tư ở Việt Nam, mỗi quỹ có mối quan tâm khác nhau. NĐT tới từ Malaysia, Indonesia và Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ; trong khi Hàn Quốc quan tâm đến ngành có liên quan đến sản xuất ở nước họ như công nghiệp phụ trợ. Còn Ấn Độ quan tâm đến giáo dục.

 

ĐTCK

Nguồn: hoaphat.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

NÓI KHÔNG VỚI HÀNG NHÁI! - XEM THÔNG BÁO CÁC WEBSITE NHÁI THƯƠNG HIỆU HÒA PHÁTThông báo