Cuộc thi thiết kế nội thất quốc tế – World Interior of the Year – đã tới vòng chung kết. Trong số 60 công trình được đề cử ở 9 hạng mục, có 3 công trình của Việt Nam.
Đó là công trình “nhà lều” (The Tent, thuộc hạng mục Khách sạn), “nhà nguyện” (The Chapel, thuộc hạng mục Dân dụng, Văn hóa & Giao thông), văn phòng – nhà xưởng (Factory Office Renovation, thuộc hạng mục Văn phòng).
Dưới đây là 3 công trình thiết kế nội thất được đề cử nhận giải của Việt Nam:
Công trình do các nhà thiết kế của a21 studio thực hiện, được đề cử ở hạng mục Khách sạn. “Nhà lều” nằm ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có diện tích 126m2.
Nằm trong khu resort suối nước nóng, “nhà lều” là một spa quy mô nhỏ nằm trên một khu vực có địa hình dốc, mặt nhà hướng ra một con sông, đem lại cảm giác yên bình, tĩnh lặng.
Điểm hạn chế duy nhất của khu vực xây dựng “nhà lều” là sức nóng từ hướng Tây, vì vậy, nội thất bên trong căn nhà đã sử dụng yếu tố nước và ánh sáng để tạo cảm giác dịu mát.
Mái nhà lợp rơm rạ rất dày giúp cách nhiệt, bên dưới là mái gỗ tạo thẩm mỹ cho nội thất bên trong nhà. Mái nhà dốc với kích thước lớn giúp ngăn ánh nắng và nhiệt lượng đi vào nhà. Với thiết kế mái nhà dốc khổng lồ, căn nhà trông như một… căn lều, vì vậy, nó có tên “nhà lều”.
Không gian bên trong nhà được chia làm hai. Tầng trên là phòng ngủ với chất liệu chủ đạo là gỗ và kính màu. Mở rộng từ tầng hai này, có một tấm lưới lớn được mắc phía trên bể bơi, để người ta có thể ra ngồi chơi trên đó.
Trước đây, khu vực này bị bỏ hoang vì thời tiết nắng nóng khiến người ta không nghĩ nơi đây có thể xây dựng spa nghỉ dưỡng, “nhà lều” đã giải quyết được bài toán thách thức đó.
Công trình “nhà nguyện” (The Chapel)
“Nhà nguyện” cũng do a21 studio thực hiện, được đề cử ở hạng mục Dân dụng, Văn hóa & Giao thông. “Nhà nguyện” nằm ở TPHCM. Công trình có diện tích 140m2.
“Nhà nguyện” là một không gian cộng đồng nằm ở khu vực ngoại ô TPHCM. “Nhà nguyện” được thiết kế làm không gian sinh hoạt chung, đặc biệt dành cho những người trẻ tham gia vào những sinh hoạt tập thể như hội họp, triển lãm, cưới hỏi…
Sử dụng sắt làm nguyên liệu thiết kế chính khiến nội thất “nhà nguyện” trở nên tươi sáng, giảm thời gian thi công, hạ giá thành công trình. Khung thép bao quanh được thực hiện bằng những lá thép trắng vì vậy nhìn từ xa trông công trình này như một nhà nguyện thực sự.
Những tấm rèm nhiều màu khiến không gian được làm mềm và bớt đi cảm giác lạnh do những lá thép trắng đem lại. Cảm giác ấm áp, tự nhiên được tăng lên với chất liệu gỗ dùng để lót sàn.
Công trình kết hợp văn phòng – nhà xưởng (Factory Office Renovation)
Công trình được đề cử thuộc hạng mục Văn phòng, do công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa thực hiện. Công trình nằm ở TPHCM, trên một diện tích rộng 486m2.
Công trình này được thực hiện để phục vụ một công ty dệt may. Mục đích của công trình văn phòng – nhà xưởng này là góp phần định hình cá tính của công ty.
Văn phòng – nhà xưởng này là một tòa nhà 2 tầng. Tầng trên dành cho ban giám đốc và các nhân viên văn phòng. Tầng dưới dành cho công nhân sản xuất và khu lễ tân.
Không gian văn phòng và nhà xưởng được kết nối, đồng thời, cũng được ngăn cách bằng một cửa sổ kính lớn, từ cửa sổ này, người ta có thể nhìn vào nhà xưởng.
Những vách ngăn ở khu văn phòng chủ yếu được làm bằng kính. Các sản phẩm dệt may của công ty đặt trong một số phòng vì vậy được nhìn thấy rõ ràng, tựa như đang trong gian trưng bày.
Những chi tiết trang trí như gạch trần, tre nứa cũng được sử dụng nhằm thể hiện tính truyền thống trong thiết kế.
[Để xem các sản phẩm “Nội thất văn phòng” do Hòa Phát sản xuất, vui lòng nhấn vào đây]