Trong bài viết, Financial Times chỉ ra, sau nhiều thập kỷ cho thấy triển vọng, thời khắc nền kinh tế Việt Nam chuyển mình dường như cuối cùng cũng đã đến. Năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất ở châu Á, với mức tăng trưởng 8%. Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng 2 năm liên tiếp kể từ đại dịch COVID-19.
Năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng lên hơn 20 tỉ USD, mức cao nhất trong một thập kỷ, chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Dell, Google, Microsoft và Apple đã chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam và đang từng bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong chính sách “Trung Quốc +1”.
Tờ báo chỉ ra, những năm 1980, Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế sang hướng cởi mở hơn. Cùng với đó, lợi thế vị trí gần Trung Quốc, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt, giá rẻ đã thu hút các nhà sản xuất. Ban đầu, các mặt hàng “Made in Vietnam” chỉ là quần áo, giày dép nhưng hiện tại Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp hơn như AirPod của Apple.
“Trong những thập kỷ gần đây, tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng nền kinh tế Việt Nam hiện ở thời điểm quyết định” – Financial Times khẳng định.
Tờ báo của Anh chỉ ra, trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, Chính phủ Việt Nam cần phải tận dụng lợi thế tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.
Financial Times cũng lưu ý, trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Lợi thế nhân khẩu học trẻ mang lại lượng lao động dồi dào nhưng yêu cầu về tay nghề đang ngày càng tăng lên. Các trường học của Việt Nam có chất lượng vượt trội trên toàn cầu, nhưng cần cải thiện chất lượng đào tạo nghề và giáo dục đại học.
Ngoài ra, Việt Nam cần cắt giảm các quy định, thủ tục và nâng cấp cơ sở hạ tầng khi mạng lưới điện đang phải chịu sức ép từ nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng.
Financial Times lưu ý, mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao không hề dễ dàng. Cuối những năm 1990, Malaysia và Thái Lan đi trên quỹ đạo tương tự như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, 2 nước này rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không thể chuyển đổi từ nền kinh tế có chi phí thấp sang nền kinh tế có giá trị cao, do đó gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với cả các nước có thu nhập thấp và cao.
Khi kinh tế Việt Nam phát triển, tiền lương cũng sẽ tăng theo. Do vậy, Việt Nam không thể mãi dựa vào mô hình chi phí thấp. Sự phụ thuộc của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cũng sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước môi trường thương mại toàn cầu nhiều biến động.
Theo thời gian, Việt Nam cần tái đầu tư để hỗ trợ phát triển các ngành lao động giàu chất xám và năng suất hơn để đáp ứng mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Những dịch vụ xương sống của nền kinh tế như tài chính, logistics và dịch vụ pháp lí tạo ra việc làm có tay nghề cao, đồng thời gia tăng giá trị cho các ngành hiện có.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn cho áp dụng công nghệ, tăng kĩ năng quản lí và tiếp tục giảm thiểu các rào cản với FDI trong lĩnh vực dịch vụ.
“Tâm trạng phấn khích về môi trường kinh doanh tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để biến xu hướng “giảm thiểu rủi ro” hiện nay thành sự thịnh vượng lâu dài” – bài viết của Financial Times nhấn mạnh.
Nguồn:https://laodong.vn/the-gioi/thoi-khac-kinh-te-viet-nam-chuyen-minh-da-den-1216386.ldo