Công ty thép của Tập đoàn Hòa Phát đều hoàn thành và vượt kế hoạch trong bối cảnh thị trường thép rất khó khăn.

Trong năm 2011, 3 công ty thép của Tập đoàn Hòa Phát đều hoàn thành và vượt kế hoạch trong bối cảnh thị trường thép rất khó khăn.

Tập đoàn Hòa Phát
Ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có những chia sẻ về tình hình kinh doanh của Hòa Phát trong năm 2011 và triển vọng 2012

Ông có cho rằng năm 2011 là năm khó khăn với HPG không?

Mặc dù không hoàn thành kế hoạch, nhưng cá nhân tôi nhận thấy HPG đã vượt qua những khó khăn bất ổn của năm 2011. Doanh thu hợp nhất của HPG tăng lên, lợi nhuận không sụt giảm quá lớn so với năm 2010; đặc biệt 3 công ty thép của HPG hoàn thành và vượt kế hoạch trong bối cảnh thị trường thép rất khó khăn.

Ông tiên liệu năm 2012 sẽ là năm như thế nào?

Cá nhân tôi nghĩ năm 2012 vẫn rất khó khăn. Nhưng tôi không phải là người bi quan. Nếu tôi là người sợ khó khăn tôi không làm doanh nghiệp mà sẽ đem tiền đi gửi ngân hàng.

Chúng tôi nhận định năm 2012 là năm không dễ dàng, vì vậy 5 tháng liên tiếp chúng tôi đã cắt giảm hàng tồn kho và giảm nợ vay – hiện nợ vay ròng của HPG chiếm khoảng 35% tổng tài sản. Chúng tôi sẽ giảm hàng tồn kho và nợ vay đến hết quý I/2012.

Vậy theo ông vay nợ trong thời điểm hiện nay nên duy trì ở mức 35% tổng tài sản?

HPG có thể vay vốn rất dễ dàng và hoàn toàn có thể quyết định nên vay nhiều hay vay ít (mức lãi suât vay VND của HPG hiện ở mức bình quân 17%/năm, PV). Nhưng nếu không tỉnh táo, vì vay vốn dễ dàng mà vay ẩu thì rất nguy hiểm.

So với tổng tài sản, khoản vay cùa HPG hiện chiếm khoảng 35%. Vay bao nhiêu là hợp lý? Thực ra không có con số cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Tôi cho rằng, không có đáp số chung cho câu hỏi này bởi tỷ lệ vay bao nhiêu phụ thuộc vào ngành nghề, phụ thuộc vào giai đoạn thị trường, phụ thuộc vào mức độ rủi ro, chấp nhận rủi ro của ông chủ đầu tư đi vay. Vì ai cũng biết đi vay để có lợi nhuận cao hơn – muốn lợi nhuận cao phải chấp nhận rủi ro.

Ông có nghĩ là sẽ mua lại công ty thép nào trong thời điểm này không?

Không, trừ trường hợp đặc biệt. Đến giờ phút này có nhiều công ty chào mời, nhưng câu trả lời của HPG là không. Vì sao? HPG có vẻ muốn an toàn hơn.

Ai đó nói với tôi rằng đây là cơ hội M&A tốt, nhưng có nhiều công ty theo tôi, khó có thể vượt qua khó khăn. Một khi công ty đó không có tương lai thì cho không còn sợ huống hồ mua. Bởi thông thường công ty như vậy bán rất rẻ – giá khoảng 2-3.000 đồng/CP. Một công ty muốn mua được phải hoạt động ít nhất là thoát lỗ trong vòng 1-2 năm tới.

Người ta nói rằng, cung thép đang vượt cầu, khó khăn còn kéo dài ít nhất là đến trong vòng 2 năm tới. Ông có nghĩ như vậy không?

Tôi quan niệm đơn giản lắm. Trong cùng một ngành chẳng thể làm ra quá nhiều lợi nhuận, cũng không khó đến mức không thể kiếm được lợi nhuận, vấn đề là doanh nghiệp tốt cần có sức cạnh tranh. Nói đơn giản hơn nếu ta có thể làm giá thành rẻ hơn, hay chi phí sản xuất tốt nhất thì không đáng ngại dù làm sắt thép hay ngành khác.

Bằng chứng HPG vẫn có lợi nhuận. Bởi HPG chọn hướng đầu tư thép từ thượng nguồn – khai thác và chế biến quặng sắt đến tận thành phẩm và hệ thống tiêu thụ tốt nên có lợi thế cạnh tranh nhất định – sức cạnh tranh tốt với chi phí giá thành hợp lý hơn (bình quân giá thành phẩm thép HPG thấp hơn thị trường 5-7%, PV).

Vậy HPG sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành thép?

Trong tương lai HPG vẫn làm. Có thể năm 2012 sẽ chậm lại, nhưng chỉ trong 1 vài năm tới, HPG vẫn mở rộng sản xuất thép với việc triển khai giai đoạn 2 của KLH gang thép tại Hải Dương. Bởi ngày hôm nay, có một số công ty làm ăn thua lỗ, đình trệ. Nhưng HPG vẫn có lợi nhuận, điều này cho thấy thép HPG có sức cạnh tranh cao.

Chân thành cám ơn ông!

Nguồn: hoaphat.com.vn

NÓI KHÔNG VỚI HÀNG NHÁI! - XEM THÔNG BÁO CÁC WEBSITE NHÁI THƯƠNG HIỆU HÒA PHÁTThông báo