(TTXVN/Vietnam+) Công ty Năng lượng Hòa Phát là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Trong điều kiện dòng vốn trên thị trường đang thắt chặt, mặt bằng lãi suất bị duy trì ở mức cao phổ biến trên 20%, thì việc một doanh nghiệp sản xuất tư nhân được vay khoản vốn ODA lên tới 319 tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn 9,6%/năm trong thời hạn 15 năm quả là may mắn.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Công ty Năng lượng Hòa Phát cũng khẳng định công ty đã gặp rất nhiều thuận lợi trong quá trình lên kế hoạch cho đến đi vào xây dựng và thực hiện dự án.
– Do đâu Công ty Năng lượng Hòa Phát lại tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Nhật Bản?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Trên thị trường luyện than cốc, Năng lượng Hòa Phát là một đơn vị ra sau và chưa có nhiều kinh nghiệm. Song tiêu chuẩn đầu tiên của chúng tôi là phải đảm bảo tính khả thi của dự án và chú ý đặc biệt đến môi trường.
Trong điều kiện hiện nay, vấn đề môi trường đã trở nên cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo tôi biết từ năm 2011, Việt Nam cũng đã bắt đầu đào tạo cảnh sát môi trường. Vì vậy, bây giờ không thể làm chống chế và mang tính chất đối phó với các đợt kiểm tra được nữa, đã đến lúc phải đi vào thực chất. Bởi chính bản thân đơn vị sản xuất, cán bộ công nhân và cộng đồng xung quanh cũng được hưởng nguồn đầu tư đó.
Có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững và cũng chính như vậy dự án của Năng lượng Hòa Phát đã đáp ứng đủ điều kiện đòi hỏi từ một tổ chức tài chính quốc tế khắt khe như JICA.
Năng lượng Hòa Phát khi tiếp cận được với nguồn vốn ODA rất thuận lợi và giảm được áp lực vốn trong điều kiện nguồn vốn vay trong xã hội đang rất hạn chế, mà không phải ai cũng vay được, hơn nữa lãi suất ngoài xã hội đang ở mức rất cao, trên 20%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiểu đường lối của Đảng và Chính phủ thực sự quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân, đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
– Hiện ở Việt Nam có bao nhiêu đơn vị đã sử dụng công nghệ luyện coke như thế này?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Khi lập dự án, chúng tôi thực hiện khảo sát các dây truyền luyện than cốc tại Việt Nam và Trung Quốc chúng tôi nhận thấy Chính phủ Trung Quốc không khuyến khích các dự án sản xuất coke thu hồi các sản phẩm phụ như dầu coke, benzene….
Quá trình luyện than mỡ với nhiệt độ cao, thải ra một lượng khí gây ô nhiễm cho môi trường rất lớn như cacbonnic, photpho, lưu huỳnh… Với công nghệ cũ, người ta chỉ thu hồi một số sản phẩm phụ dầu coke có giá trị kinh tế nhỏ, gây nên sự độc hại cho bầu khí quyển.
Lựa chọn công nghệ rất là quan trọng, nếu một dự án ra đời vào thời điểm này mà vẫn gây ô nhiễm môi trường thì chắc chắn sẽ không có tính khả thi và không thể tồn tại được ở một thành phố đồng bằng như Hải Dương, xung quanh là cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động sản xuất cần phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt bình thường. Vì vậy chúng tôi đã quyết định lựa chọn công nghệ mới là luyện coke tận dụng lượng khí thải nóng hơn 1000 độ C chuyển qua nồi hơi, tuốc bin và phát điện.
Hiện nay, Hòa Phát là đơn vị đầu tiên và duy nhất sử dụng công nghệ tiên tiến kết hợp luyện than cốc và phát điện, công nghệ này đảm bảo được tính thân thiện môi trường. Mặc dù chi phí ban đầu là rất lớn, nhưng chúng tôi quyết định mạnh dạn đầu tư.
Năm 2010, năm đầu tiên đi vào sản xuất kinh doanh, nhà máy đã đạt được kết quả rất khả quan. Hàng tháng, ngoài khoản lợi nhuận có được từ sản xuất than cốc, chúng tôi còn thu được khoảng 10 tỷ đồng tiền điện với giá điện năng sản xuất ra chưa đến 500 đồng/kw.
Hiện nay, chúng tôi lại là một trong những đơn vị thuộc ngành công nghiệp nặng, ra đời muộn nhất trong Tập đoàn Hòa Phát, song trong năm 2010 lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 403 tỷ đồng, so với trên 1.300 tỷ đồng lợi nhuận của cả tập đoàn thì đó là con số ấn tượng và kỷ lục.
– Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành sản xuất than cốc tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Đức Tuấn: Than cốc là nguồn nguyên liệu được ví như “bánh mì” của ngành luyện thép. Hiện nay trên thế giới than cốc luôn là vấn đề nóng. Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng sản xuất cốc chiếm hơn 60% sản lượng của toàn cầu, tuy nhiên họ cũng có những chính sách hạn chế xuất khẩu, trữ lại nguồn than cốc thành tài nguyên năng lượng của quốc gia.
Việc sản xuất than coke trong nước sẽ góp phần chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt giảm chi phí nhập khẩu từ đó giảm giá thành sản xuất thép.
Dự kiến cuối tháng 10,11/2011, Công ty Năng lượng Hòa Phát sẽ hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 đưa công suất nhà máy than cốc lên 700 nghìn tấn/năm, sản xuất điện đạt 37MW và hoàn thiện các hệ thống thiết bị, duy trì hoạt động ổn định.
Nếu điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ nghĩ đến giai đoạn 3 nâng cao công suất luyện cốc lên tối thiểu là 1 triệu tấn/năm, sản lượng điện cũng có thể tăng lên khoảng 50MW, tất nhiên sẽ phụ thuộc vào thực tế khi triển khai.
Trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nặng đã quá quen với dây chuyền công nghệ cũ không dễ dàng thuyết phục họ thay đổi một cái mới với chi phí quá lớn và không chắc chắn được vấn đề lợi nhuận trong đó. Tuy nhiên trên thực tế, nếu ngành sản xuất thép vẫn sử dụng công nghệ cũ, đến một lúc nào đó nguyên liệu cạn kiệt đẩy giá thành sản xuất lên cao dẫn đến việc công nghệ cũ và lạc hậu sẽ bị đào thải./
Link bài PV tại báo điện tử Vietnam+
TTXVN/Vietnam+( theo nguồn: hoaphat.com.vn )