38 tập đoàn và 9 quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam, nhưng với quy mô và chất lượng hàng hoá của TTCK hiện tại, họ không muốn giải ngân.
“38 tập đoàn và 9 quỹ đầu tư lớn nhất của Mỹ, trong đó có nhiều NĐT lần đầu tiên đến Việt Nam do JP Morgan dẫn đầu vừa kết thúc đợt tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam, đã thốt lên rằng, với quy mô và chất lượng hàng hoá của TTCK hiện tại, họ không có cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nếu những hạn chế này không sớm được khắc phục, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội thu hút dòng vốn ngoại quy mô lớn”.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ với ĐTCK như vậy, sau khi trực tiếp tham gia giới thiệu cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam đến các NĐT hàng đầu thế giới.
Thưa ông, quy mô TTCK còn nhỏ, chất lượng hàng hoá chưa cao có phải đang là những trở ngại chính khiến các tập đoàn lớn của Mỹ chưa đưa ra kế hoạch giải ngân cụ thể?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Các NĐT hỏi tôi và một lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội rằng, ngay bây giờ họ muốn mua một lượng cổ phiếu đang niêm yết trị giá 50 triệu USD trong một phiên giao dịch và sau đó khi muốn thoái vốn thì có thể tiến hành dễ dàng cũng trong một phiên giao dịch được không?
Chúng tôi trả lời, với quy mô và tính thanh khoản của TTCK Việt Nam hiện tại, cả hai mong muốn, nhất là yêu cầu thứ hai rất khó được đáp ứng.
Quy mô của TTCK hiện tại chẳng khác nào “chợ cóc”, hàng hoá tuy nhiều nhưng chất lượng không cao.
Các NĐT không ngạc nhiên với câu trả lời của chúng tôi, bởi qua trực tiếp khảo sát cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên TTCK Việt Nam, họ không tìm thấy cơ hội đầu tư nào hiện hữu, bởi quy mô của TTCK hiện tại chẳng khác nào “chợ cóc”, hàng hoá tuy nhiều nhưng chất lượng không cao.
Vậy các NĐT kỳ vọng gì về cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
Theo nhận định của các NĐT, việc cải thiện quy mô, thanh khoản, cũng như chất lượng hàng hoá cho TTCK không thể làm trong một sớm một chiều.
Bởi vậy, họ gần như từ bỏ ý định giải ngân vào các cổ phiếu đang niêm yết, mà hy vọng tiến trình cổ phần hóa DNNN sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngay từ đầu năm 2012 để tìm kiếm cơ hội giải ngân vào các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, giá trị thương quyền cao trong các lĩnh vực: hàng không, viễn thông, khai khoáng…
Tuy nhiên, nếu Nhà nước chỉ bán số lượng cổ phần ra bên ngoài không đáng kể, khoảng 5 – 10%, thì họ cũng sẽ từ bỏ dự định giải ngân vào Việt Nam.
Bởi lẽ, tỷ lệ quá thấp này vừa không làm thay đổi cách thức và hiệu quả kinh doanh của các DN lớn sau cổ phần hóa, mà còn khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro với khoản đầu tư vào các công ty cổ phần có tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ quá cao.
Vậy theo ông, các NĐT muốn Việt Nam mở “room” cổ phần hóa với tỷ lệ nào?
Tuỳ theo quy mô và ngành nghề hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty mà họ muốn tỷ lệ cổ phần lần đầu bán ra công chúng (IPO) hoặc bán cho NĐT chiến lược nước ngoài ít nhất cũng phải 30 – 40% thì họ mới lên kế hoạch giải ngân cụ thể.
Việc mở room này không chỉ áp dụng đối với NĐT nước ngoài, mà cả cho khu vực tư nhân trong nước, bởi đây là tín hiệu cải cách DNNN bắt đầu đi vào thực chất, chứ không phải vẫn còn hình thức như hiện nay, khi tỷ lệ cổ phần đưa ra IPO nhỏ giọt.
Các NĐT cũng mong đợi việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty lớn sắp tới phải gắn với niêm yết trên TTCK, nhằm tăng sức ép về tính minh bạch trong hoạt động của các DNNN.
Qua đó, tạo bước đột phá về quản trị DN, chứ không phải cổ phần hóa xong vẫn tồn tại tình trạng “bình mới, rượu cũ” như thời gian qua. Việc cải cách DNNN cần chú trọng yêu cầu DN áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, định hướng cạnh tranh quốc tế là chủ yếu và xoá bỏ dần các can thiệp về giá, cũng như tình trạng độc quyền.
Nếu tiến trình cổ phần hóa không được đẩy nhanh theo định hướng trên, thì Việt Nam dễ đánh mất cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: ông đã trực tiếp gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng rằng, việc IPO tại mấy tổng công ty vừa rồi chỉ bán cổ phần ra bên ngoài với tỷ lệ 5 – 10 % chẳng mang lại ý nghĩa gì đáng kể về cải cách DNNN, không tạo được hàng hoá có chất lượng cho TTCK.
Cổ phần hóa kiểu này sẽ khó tạo ra thay đổi về chất trong hoạt động quản trị, điều hành của các DNNN, nên khó nâng cao hiệu quả hoạt động. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, cùng với TTCK không được quan tâm phát triển mạnh mẽ hơn để tăng quy mô và thanh khoản, thì rất khó hấp thụ các khoản đầu tư lớn của NĐT nước ngoài.
Nguồn: hoaphat.com.vn