Vừa qua, ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng –Bộ Công thương phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Hà Nội thực hiện phóng sự truyền hình thực tế có chủ đề “Giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất thép” tại Nhà máy cán thép Hòa Phát – KCN Như Quỳnh, Hưng Yên. Website www.hoaphat.net.vn xin được giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn của chương trình với ông Trần Văn Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát.
Chào ông, xin ông cho biết đôi nét về quy mô sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát?
Hòa Phát là một trong 3 nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam với công suất hiện tại đạt khoảng 650.000 tấn thép xây dựng các loại. Trong đó, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương là dự án sản xuất thép bằng công nghệ lò cao khép kín quy mô nhất Việt Nam.
Sản xuất thép được coi là một trong những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nguồn điện năng rất lớn. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi đồng tình với quan điểm đó. Thép xây dựng là ngành sản xuất sử dụng khá nhiều điện và chỉ tiêu tiêu hao điện trong luyện phôi và cán thép là một trong những chỉ tiêu quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thép, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện.
Thực tế Nhà máy cán thép Hòa Phát tại Hưng Yên tiêu thụ khoảng hơn 3 triệu kwh mỗi tháng. Tuy nhiên, khi tính bình quân mức tiêu hao điện năng từ 70 đến 110 KWh/mỗi tấn thép thành phẩm (tùy theo cơ cấu sản phẩm đã sản xuất), thì chũng tôi được xếp vào một trong những nhà máy có mức tiêu hao điện tốt nhất ở Việt Nam.
Ông Trần Văn Nam (đội mũ trắng) trả lời phỏng vấn của chương trình tại nhà máy
Vâng. Chắc hẳn thép Hòa Phát đã và đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tiết giảm điện năng, thưa ông?
Không phải bây giờ chúng tôi mới tính đến các giải pháp đó, mà ngay từ khi toàn bộ hệ thống thiết bị hoạt động ổn định đến nay, chúng tôi đã tính toán kỹ các yếu tố nhằm giảm tối đa các chi phí của từng khâu sản xuất. Về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, chúng tôi triển khai nhiều biện pháp cùng lúc.
Thứ nhất, luôn tìm nhiều biện pháp để duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc của thiết bị, hạn chế tối thiểu thời gian đình trệ, thời gian máy chạy không tải, chạy vô công, đồng thời tận dụng tối đa công suất của hệ thống thiết bị cho toàn bộ hoạt động sản xuất.
Hai là, áp dụng các biệp pháp tác động đến ý thức người lao động nhằm năng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác trong việc sử dụng năng lượng trong sản xuất của nhà máy. Ví dụ như áp dụng các hình thức khoán vào lương mức tiêu hao điện năng cho từng chủng loại sản phẩm để có hình thức thưởng phạt kịp thời theo kết quả sản xuất từng tháng. Lập các quy định, các thông báo về việc sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm tại các vị trí sử dụng máy móc thiết bị để người lao động được thấy rõ.
Thứ ba là, thường xuyên xem xét sự phù hợp của hệ thống thiết bị để đưa ra các giải pháp thay đổi, biện pháp cải tiến để duy trì và tăng năng xuất nhưng giảm được năng lượng cho sản xuất nói chung và điện năng tiêu thụ nói riêng. Mới đây nhất chúng tôi đã hoàn thành lắp đặt lò sinh khí than.
Hệ thống lò sinh khí than góp phần giảm lượng tiêu hao điện năng
Ông có thể nói rõ hơn về hiệu quả của việc cải tạo trên?
Trong 6 tháng đầu năm 2011, Công ty MTV Thép Hòa Phát đã triển khai thành công dự án lắp đặt 3 cụm lò sinh khí than và cải tạo lò nung phôi 50 tấn để chuyển đổi loại nhiên liệu từ dầu FO sang dùng khí than từ lò sinh khí. Dự án này rất quan trọng với công ty trong việc giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh của thép Hòa Phát trên thị trường.
Việc cải tạo này không những giảm chi phí nhiên liệu mà còn góp phần vào việc giảm tiêu hao điện năng trong quá trình cán thép. Mặc dù vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiết kiệm điện và những chi phí khác một cách triệt để hơn nữa.
Xin cảm ơn ông !
Theo hoaphat.com.vn