Không tính kỹ, Thủ đô Hà Nội sẽ là đại công trường năm 2020

Triển lãm đồ án quy hoạch tổng thể Thủ đô khai mạc sáng nay tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, thu hút đông đảo người dân đến tham quan và trao đổi ý kiến.

Đa số người tham dự đánh giá cao ý tưởng quy hoạch của đồ án quy hoạch tổng thể Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, của Viện kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, đồng thời là Ban tổ chức triển lãm. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn về tính khả thi của đồ án.

Ông Ngô Qúy, một người dân đến từ phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, bày tỏ: “Nhìn vào bản quy hoạch này người dân vẫn thấy chưa tin tưởng bởi tính khả thi của nó chưa cao. Những gì UBND thành phố Hà Nội vạch ra và thực hiện cho đến thời điểm này khiến chúng tôi có đủ cơ sở để nói lên điều đó. Không ít kế hoạch, dự án đề ra từ rất lâu vẫn nằm trên giấy hoặc dở dang. Kế hoạch chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chỉ còn hơn 100 ngày, hiện hoàn thành được những gì?. Đường vành đai 3 lên kế hoạch thi công từ năm 2001 đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm?”.

Chị Hoa, nhân viên phòng dự án công ty Dầu khí Việt Nam cũng đưa ý kiến: Nhìn ở tầm vĩ mô thì ý tưởng quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện sau khi cơ quan chức năng thông qua. Nhưng để thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ là cả một vấn đề lớn. “Thứ nhất là nguồn vốn thực hiện phải lấy ở đâu, thứ hai là có đủ nhân lực có năng lực thực hiện hay phải thuê nước ngoài, rồi còn chất lượng công trình…”, chị Hoa nói.

Không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia về xây dựng cũng cho rằng, quy hoạch Thủ đô thiếu tính thực tế. Ông Vĩnh, chuyên viên Bộ Xây Dựng cho rằng: “Theo đồ án quy hoạch, việc lấy vành đai xanh cho Thủ đô dọc sông Nhuệ là chưa hợp lý, bởi dải sông Nhuệ có nhiều làng cổ mang giá trị lịch sử, văn hóa”.

 

Anh Hà Trung Thành, công tác tại Tổng Công ty Cơ Khí – Xây dựng Hà Nội, nhận định: “Nhiều dự án trong quy hoạch chưa sát với thực tế. Ví dụ như trên bản vẽ phía nam Hà Tây cũ sẽ xây dựng công viên, nhưng địa điểm đó đang triển khai xây dựng đường Nam Hà Tây. Quy hoạch như vậy khác gì vừa làm, vừa phá và công trường đè lên công trường”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, kiến trúc sư một công ty Xây dựng tại quận Thanh Xuân chung quan điểm: “Qua bản vẽ có thể thấy bên thiết kế chưa quan tâm đến thực trạng từng vùng của Thủ đô nên có nhiều vấn đề chưa nhất quán và bất hợp lý. Công trình đang xây dựng, chưa xây dựng chồng chéo lên nhau. Cứ đà này thì giai đoạn 2010 – 2020, Thủ đô sẽ là một đại công trường với nhiều dự án chồng chéo lên nhau”.

Không chỉ phát triển thêm các dự án, quy hoạch lại phố cổ mà ý tưởng chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng nhận được nhiều ý kiến của người dân Thủ đô tại triển lãm Vân Hồ hôm nay. Ông Trần Xuân Lộc, một Thiếu tá quân đội có ý kiến: “Theo tôi, vẫn nên để trung tâm hành chính Thủ đô như cũ, chỉ nên phát triển trường học, bệnh viện ra các khu vực khác vì nếu chuyển lên Ba Vì, Thủ đô thiếu tập trung”.

Nhiều người cho rằng, Ba Vì chỉ nên là khu dự trữ cho trung tâm hành chính Thủ đô khi xảy ra những trường hợp đặc biệt. Bên cạnh đó, vấn đề tâm linh được lưu ý. “Khu trung tâm hành chính Thủ đô hiện tại còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao của dân tộc. Năm xưa vua Lý Thái Tổ đã chọn nơi đây làm kinh thành bởi vùng đất được mệnh danh là thế “Rồng cuộn hổ ngồi”, vì vậy chúng ta không nên chuyển lên Ba Vì”, một người dân sống quận Đống Đa đề xuất.

Trước những ý kiến của người dân và đại biểu băn khoăn về Quy hoạch chung Thủ đô, phát biểu tổng kết kỳ họp 20 HĐND thành phố Hà Nội, chiều nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố xin tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu cũng như dư luận quan tâm đến đồ án quy hoạch tổng thể Thủ đô. “Mặc dù đồ án quy hoạch Thủ đô đã được hội nghị thông qua, nhưng để hoàn thiện hơn, trong thời gian tới, UBND thành phố có trách nhiệm phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề mà đại biểu cũng như dư luận quan tâm, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: hoaphat.com.vn

NÓI KHÔNG VỚI HÀNG NHÁI! - XEM THÔNG BÁO CÁC WEBSITE NHÁI THƯƠNG HIỆU HÒA PHÁTThông báo