Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam bước vào thời kỳ vàng và thực sự “bùng nổ” trong năm 2023 khi liên tiếp nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Việt Nam còn được đánh giá là một trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Xu hướng không thể đi ngược
Là đơn vị trung gian chuyên kết nối những giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tới những đơn vị có nhu cầu, ông Phạm Quang Chiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Citek – cho biết, trong thời gian qua, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tìm đến ông với mong muốn giúp nhân viên làm việc đơn giản và hiệu quả hơn.
Ông chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động: “Trước thực trạng các phòng, ban làm việc rời rạc, nhiều đơn vị muốn nhân viên làm việc hiệu quả theo hệ thống để dành phần lớn 70% thời gian còn lại phát triển kinh doanh. Điều đó cho thấy, để thúc đẩy ĐMST, lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thay đổi tư duy trước tiên. ĐMST sẽ giúp công ty mình đưa ra sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng với nhiều giá trị hơn, chi phí tối ưu, tạo lợi thế cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp làm điều đó từ 1 – 3 năm sẽ thấy rõ hiệu quả”.
Nhờ nhận thức về tính cấp thiết của ĐMST, năm 2023, Việt Nam đã được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022 về chỉ số ĐMST toàn cầu (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới).
Đồng thời Việt Nam còn được đánh giá là một trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Cơ quan quản lý cần phất lá cờ tiên phong
Trước triển vọng tích cực, các nhà đầu tư thể hiện cam kết tiếp tục giải ngân vào doanh nghiệp ĐMST Việt Nam nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn khủng hoảng. Một số nhà đầu tư tập trung vào các ngành mới nổi và khuyến khích các công ty khởi nghiệp luôn giữ tâm thế vững vàng trước thách thức.
Ông Bình Trần – Giám đốc điều hành tại Quỹ đầu tư AVV – cho biết: “Trong bối cảnh thị trường đang thay đổi, chúng tôi vẫn kiên định với nhịp độ đầu tư của mình. Do chú trọng vào các giải pháp đột phá mang tính đổi mới sáng tạo, chiến lược đầu tư của AVV không chịu ảnh hưởng ngay cả khi thị trường đi xuống. Với tầm nhìn 5-10 năm, chúng tôi hiểu rằng, đầu tư giai đoạn đầu là một hành trình dài hạn và chúng tôi tìm kiếm các công ty công nghệ muốn tạo ra giá trị bền vững”.
Ông Việt Nguyễn – Trưởng bộ phận đầu tư công nghệ tại Quỹ đầu tư Vietnam Investments Group (VIG) – kỳ vọng: “Hoạt động đầu tư của VIG sẽ diễn ra đều đặn trong năm 2023 bởi chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng công nghệ là yếu tố then chốt thúc doanh nghiệp phát triển trong dài hạn, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng”.
Để ĐMST, đặc biệt là ĐMST mở tại Việt Nam phát triển hơn nữa, bà Nguyễn Hương Quỳnh – CEO Nền tảng kết nối ĐMST BambuUp – nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước cần là người phất lá cờ tiên phong. Bà dẫn chứng tại các quốc gia có hệ sinh thái ĐMST phát triển như Singapore có chiến dịch toàn bộ mọi người vì cộng đồng startup. Hàn Quốc có chính sách tất cả các tập đoàn, doanh nghiệp phải có quỹ hằng năm để làm việc với startup. Hay ở Thái Lan, chỉ cần 3 năm để 1 doanh nghiệp trở thành “kỳ lân” nhờ cơ chế mở nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
“Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là người đưa ra đề bài để các startup, công ty công nghệ có thể thực hiện. Họ cần nhập cuộc và đứng ra làm gương. Những cơ chế chính sách không chỉ dừng lại ở luật lệ mà còn là chương trình có tính hiệu quả thực sự và đem lại kết quả rõ ràng” – bà Quỳnh đề xuất.
Theo bà Quỳnh, song song với đó sẽ cần một định hướng chiến lược về mặt chính sách và phát triển cơ sở vật chất của các tỉnh thành cho ĐMST tại địa phương. Thúc đẩy hoạt động ĐMST mở chứ không chỉ là thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, hình thành ngay Quỹ Đổi mới sáng tạo
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi khảo sát cơ sở mới sắp được khánh thành của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ngày 12.10, ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC – cho biết Việt Nam đang hình thành một mạng lưới đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên toàn cầu có tới 2.000 thành viên. Gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ (8 mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ).
Để tạo cơ chế đủ mạnh để thử nghiệm và triển khai hoạt động ĐMST, ông Vũ Quốc Huy kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng pháp luật, chính sách chung về ĐMST trên cả nước và quy định liên quan tới NIC, sớm hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, bố trí khu đất để NIC xây dựng khu dịch vụ cho chuyên gia. NIC cũng đề xuất các cơ quan rà soát hệ thống các quy định, chính sách đặc thù cho ngành bán dẫn; xây dựng hệ thống thể chế vượt trội và có thể thí điểm ngay tại NIC và các khu công nghệ cao. NIC cũng đề xuất phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn để thúc đẩy các hoạt động ĐMST tại Việt Nam và phát triển các trung tâm dùng chung về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn.
Cơ bản đồng tình với các định hướng và kiến nghị của NIC, đáng chú ý tại buổi khảo sát, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thành ngay quỹ ĐMST. Các cơ quan cũng cần tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy hiệu quả của Mạng lưới ĐMST Việt Nam. Lam Duy
Nguồn : https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-but-toc-tren-ban-do-doi-moi-sang-tao-toan-cau-1254901.ldo