Một số chuyên gia nhận định rằng, thời gian tới xu hướng phát hành trái phiếu ra công chúng chắc chắn sẽ có đất phát triển hơn nhờ tính minh bạch của nó.
Có thông tin là đến hết tháng 7, giá trị trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi phát hành ở thị trường trong nước ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng. Còn ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, nói rằng hiệp hội chưa có con số thống kê chính thức. Một chuyên gia khác trực tiếp tư vấn cho nhiều doanh nghiệp ước tính với TBKTSG hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp các loại đã được đưa ra thị trường và loại trái phiếu chuyển đổi, chào bán riêng lẻ tỏ ra đang chiếm ưu thế hơn loại trái phiếu chào bán ra công chúng.
Bài này chỉ đề cập đến loại trái phiếu doanh nghiệp thứ hai (không chuyển đổi), dưới hình thức chào bán ra công chúng mà theo nhận định của Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài chính giá cả (Bộ Tài chính) Vũ Đình Ánh: “Mới phát triển, dạng thị trường sơ cấp nhưng bắt đầu tạo ra một kênh có tính thanh khoản”. Theo một chuyên gia tư vấn phát hành, chuyện thống kê về số lượng các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không nói lên quy mô của thị trường mà quan trọng là quy mô của từng đợt phát hành, đối tượng mua, khả năng sử dụng vốn và khả năng thu hồi nợ của trái chủ. Về điều này thì các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ thường không công bố rộng rãi. Ngược lại, doanh nghiệp chọn hình thức chào bán trái phiếu ra công chúng phải công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư và công luận. Ví dụ: Tập đoàn Sông Đà bán thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu qua ngân hàng ANZ tư vấn với kỳ hạn năm năm (năm đầu lãi suất 15%) là thương vụ chào bán ra công chúng thành công lớn đầu tiên trong năm nay. Vincom cũng phát hành thành công 1.000 tỷ đồng, lãi suất 16% cho năm đầu nhưng không được tính là giao dịch ra công chúng như quy định vì toàn bộ số trái phiếu được một ngân hàng quốc doanh lớn tư vấn phát hành đồng thời mua toàn bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới được mở ra từ ba năm gần đây và còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhằm đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Điều này đúng nhưng thực tế một đợt phát hành của doanh nghiệp có thể thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn phải dựa vào uy tín doanh nghiệp, kế hoạch dùng vốn, đối tượng mua. “Nói khác đi không phải doanh nghiệp muốn làm là được vì các nhà đầu tư lớn chỉ xem trọng chất lượng tài chính của doanh nghiệp, tên tuổi, độ minh bạch trên thị trường, kha năng thu hồi vốn mới quyết định đầu tư”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh. Do vậy, 95% số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nền kinh tế, nơi ông Kiêm làm chủ tịch, hiện vẫn còn đứng khá xa kênh trái phiếu.
Một chuyên gia tư vấn cho ngân hàng nước ngoài đang đứng đầu trên thị trường tư vấn phát hành trái phiếu ở Việt Nam nói rằng trung bình mỗi năm họ thực hiện được từ 4-5 giao dịch là thành công. Thành công đó còn được đo bằng quy mô của đợt phát hành, tên tuổi của doanh nghiệp phát hành. “Rất nhiều doanh nghiệp thăm dò việc phát hành trái phiếu tại ngân hàng chúng tôi nhưng thông thường chỉ có những doanh nghiệp tốt, có tên tuổi trên thị trường và tự tin vào nguồn tín dụng của mình mới chọn hình thức phát hành ra công chúng”.
Thông tin minh bạch, tên tuổi của doanh nghiệp trên thị trường quyết định sự thành công của việc phát hành trái phiếu ra công chúng
Chẳng hạn theo thông cáo từ Tập đoàn Hòa Phát, khi chuẩn bị phát hành trái phiếu (thời hạn ba năm, lãi suất thả nổi, không có đảm bảo thông qua Ngân hàng ANZ) hồi trung tuần tháng 7, có nhiều đánh giá cho rằng họ không thể phát hành dưới mức lãi suất 16%, đặc biệt trong hoàn cảnh tổ chức phát hành là một tập đoàn tư nhân, dùng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản và thị trường vốn thời điểm đó có nhiều căng thẳng. Song, 800 tỷ đồng trái phiếu mà họ bán ra đã được các ngân hàng thương mại trong nước mua hết, thậm chí số lượng đăng ký còn cao hơn với mức lãi suất định giá là 14,5% trong năm đầu tiên và lãi suất các năm tiếp theo “neo” vào lãi suất tiền gửi 12 tháng trung bình của bốn ngân hàng thương mại lớn nhất cộng 3,5 điểm phần trăm.
“Thông thường yêu cầu của tổ chức tư vấn phát hành đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân chặt chẽ hơn doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều kiện ban đầu. Sau đó phải kèm theo các điều kiện khác về hệ số tín nhiệm của tổ chức phát hành, các yếu tố khác của thị trường mới thu xếp thành công được”, chuyên gia tư vấn nói.
Song việc đánh giá hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu trong nước chưa có và doanh nghiệp cùng chưa thấy cần thiết phải làm việc này như khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Vì vậy, đang xảy ra một hiệu ứng ngược: lãi suất thấp, đợt phát hành quy mô thành công là thước đo cho uy tín, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư trên thị trường, thay vì quy luật thông thường là xếp hạng tín nhiệm của doanh nghệp phải có trước và các yếu tố khác đến sau.
Ông Kiêm nhận định rằng, thời gian tới, xu hướng phát hành trái phiếu ra công chúng chắc chắn sẽ có đất phát triển hơn loại hình phát hành riêng lẻ vì tính minh bạch của nó. Các chuyên gia khác nói, loại riêng lẻ thường phát hành từ doanh nghiệp đến ngân hàng (mua lại), có thể sẽ xảy ra rủi ro nếu doanh nghiệp lại dùng khoản tiền này để trả nợ ngân hàng nhằm giúp ngân hàng xóa đi nợ xấu khiến cho dòng vốn đi lòng vòng, khó kiểm soát và ngân hàng có thể gặp rủi ro.
Do vậy, để thị trường trái phiếu phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và có thể kiểm soát tốt hướng phát triển ở tầm vĩ mô, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thay thế hai Nghị định 52/2006-NĐ-CP và Nghị định 53/2009-NĐ-CP hiện có, theo hướng phải chặt chẽ hơn và nâng cao việc kiểm soát từ loại hình chào bán ra công chúng đến loại hình chào bán riêng lẻ. Đã có quá nhiều bài học trên thị trường tài chính cho thấy việc minh bạch đường đi của các dòng tiền, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp mới thể hiện đúng chất lượng tài chính của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nguồn: hoaphat.com.vn