Hòa Phát từ khó gần đến thân thiện

Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2011 của Tập đoàn Hòa Phát đã lọt vào Top 10 BCTN được bình chọn năm nay. Đây là lần thứ 4, BCTN của Hòa Phát được xếp hạng cao trong cuộc Bình chọn BCTN được tổ chức thường niên.

Chất lượng BCTN của Hòa Phát năm nay là sự “vượt lên chính mình”. Báo cáo đã cập nhật những đặc điểm mới nhất của mỗi ngành hàng, mỗi công ty con. Đương nhiên báo cáo cũng trình bày một chiến lược và mục tiêu phát triển, năng lực cạnh tranh rõ ràng của cả Tập đoàn và mỗi ngành hàng. Theo Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Trần Đình Long: “Sau một năm tái cơ cấu, Công ty mẹ đã thực hiện đúng vai trò và chức năng của mình, đó là nắm giữ vốn của các công ty con; hoạch đình chiến lược phát triển của Tập đoàn và riêng từng ngành hàng; giao kế hoạch cho công cty và quản lý tài chính; xây dựng và phát triển thương hiệu tập đoàn”.

Phần quản trị rủi ro của Hòa Phát đề cập đến thông tin khá đắt là “các giải pháp kiềm chế lạm phát và cắt giảm đầu tư công đã ảnh hưởng mạnh đến cả nền kinh tế, đặc biệt là khối DN bất động sản và vật liệu xây dựng, trong đó có Hòa Phát. Chi phí tài chính ròng của Tập đoàn năm 2011 tăng mạnh so với năm 2010 (tăng gấp 1,51 lần). Các mảng hoạt động của tập đoàn đều bị ảnh hưởng, trong đó đáng kể nhất là bất động sản và thép”.

Sự tiến bộ về chất lượng thông tin BCTN của Tập đoàn Hòa Phát qua các năm phản chiếu sự đổi mới toàn diện trong nhận thức và hành động của lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát

Đánh giá rủi ro về công nghệ Hòa Phát cho biết, công nghệ sản xuất thép lò cao đặt ra thách thức phải đảm bảo đủ quặng đầu vào liên tục mà không được dừng lò. Rủi ro này cũng có liên quan rất nhiều đến rủi ro về nguyên vật liệu. Năng lực khai thác và sản xuất của tất cả các nhà máy chế biến quặng của Hòa Phát hiện nay mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tinh quặng cho sản xuất thép mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn. Phần quản trị rủi ro được nêu cụ thể và định lượng, chứ không đi vào “lối mòn đánh giá rủi ro chung chung” như nhiều BCTN khác. Đây là kết quả của một quá trình thay đổi nhận thức của Ban lãnh đạo Hòa Phát kể từ khi niêm yết.

Cách đây hai ba năm, giới đầu tư vẫn phàn nàn Hòa Phát khó tiếp xúc, khó mà biết được thông tin sâu về Hòa Phát. Trong khi đó, bản thân Ban lãnh đạo Hòa Phát thời gian đầu niêm yết vẫn giữ quan niệm cũ là chỉ cần mình làm tốt thì mọi người sẽ hiểu sẽ biết mà không cần nói nhiều, ngại nói nhiều về những việc mình làm.

Nhưng tiếp thu ý kiến góp ý của giới đầu tư trong những năm gần đây, Tập đoàn Hòa Phát đã rất coi trọng công tác quan hệ nhà đầu tư (NĐT) bằng việc tổ chức, đón tiếp nhiều đoàn NĐT đến tìm hiểu thông tin, đi thăm các dự án nhà máy của tập đoàn ở các tỉnh phía Bắc. Sự cởi mở, thẳng thắn và thường không đánh bóng bản thân của lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát trong các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư đã để lại ấn tượng thân thiện.

Hòa Phát đã để lại ấn tượng thân thiện với các NĐT

Hiện nay, nhắc đến Hòa Phát giới đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán không nghĩ ngay đến bàn ghế hay sắt thép, mà nghĩ đến ông “Long Hòa Phát” (Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long), hay ông “Dương Hòa Phát” (Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương), người mà họ gửi gắm đồng tiền khi đầu tư cổ phiếu HPG. Sự thay đổi này thực sự có ý nghĩa lớn với vị thế của Hòa Phát trên thị trường tài chính – chứng khoán.

Nội dung của một BCTN bao giờ cũng truyền tải thông điệp về chiến lược phát triển, nhận thức của lãnh đạo công ty đó về công tác quan hệ với NĐT và các đối tác. Ở góc độ này, sự tiến bộ về chất lượng thông tin BCTN của Tập đoàn Hòa Phát qua các năm phản chiếu sự đổi mới toàn diện trong nhận thức và hành động của lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát trong quan hệ NĐT và minh bạch thông tin.

 Nguồn: hoaphat.com.vn

Thu Hương/ ĐTCK
NÓI KHÔNG VỚI HÀNG NHÁI! - XEM THÔNG BÁO CÁC WEBSITE NHÁI THƯƠNG HIỆU HÒA PHÁTThông báo