Báo đầu tư Chứng khoán số ra ngày 24/11/2010 trang 23-25 có bài viết: “Hòa Phát, tăng trưởng lợi nhuận đột biến từ thép và bất động sản” của tác giả Thu Hương, mời các bạn độc giả cùng theo dõi:
Hơn 30 nhà đầu tư, đại diện cho 18 tổ chức đầu tư trong nước và nước ngoài như Vinacapital, Dragon Capital, Temasek, Tiger Alliance, Sabeco Fund, Jaccar, SSI, Lotus Fund, KITMC, Mirae, SSIAM, Prudential, PXP, Asia Advantage, Tien Phong Bank, Red River Holding, Finansa.đã đi khảo sát các dự án lớn của Tập đoàn Hòa Phát là Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát, mỏ khoáng sản và các dự án bất động sản Hòa Phát đang đầu tư. Chuyến đi do Tập đoàn Hòa Phát phối hợp với Công ty CP Chứng khoán Sài gòn (SSI) tổ chức, cho nhà đầu tư thấy, cơ sở tăng trưởng lợi nhuận của Hòa Phát từ dự án sản xuất thép lớn, được đầu tư bài bản và từ những dự án bất động sản ở vị trí đắc địa.
Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG, chiến lược của Hòa Phát là phát triển bền vững, duy trì mức tăng trưởng từ 10 đến 20% cả về doanh thu và lợi nhuận trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nền tảng là nội thất, thiết bị phù tùng, máy xây dựng, ống thép, điện lạnh. Đồng thời tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đột biến từ năm 2011 trong các lĩnh vực sản xuất thép xây dựng và bất động sản.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát, con át chủ bài
Hiệu quả của KLH gang thép Hòa Phát tại Hải Dương đã được chứng minh bằng thực tế. Đến tháng 10 năm 2010, KLH đã đạt hơn 80% công suất giai đoạn 1 tất cả các nhà máy, đặc biệt là Nhà máy Luyện thép và Nhà máy Cán thép. Trong tháng 10, Nhà máy Cán thép tại KLH cho ra đời hơn 26.000 tấn thép thành phẩm, chiếm khoảng 44% tổng sản lượng 59.438 tấn thép xây dựng Hòa Phát sản xuất, tăng 213,8% so với cùng kỳ và 166,3% so với tháng trước đó. KLH góp phần quan trọng đưa Hòa Phát chiếm 12,1% thị phần thép xây dựng và duy trì vị thế là 1 trong 3 nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
Năm 2010, năm đầu tiên đi vào hoạt động, KLH (không tính nhà máy than coke) đã đóng góp 100 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn. Con số này dự kiến là hơn 350 tỷ đồng năm 2011.
KLH gang thép là dự án trọng điểm của Hòa Phát hiện nay vì nó nâng công suất sản xuất thép của Hòa Phát lên đến 1 triệu tấn thép/năm và đóng góp từ 500 đến 700 tỷ đồng/lợi nhuận năm cho Tập đoàn khi hoàn thành cả 2 giai đoạn.
Với lợi thế công nghệ lò cao và sản xuất quy mô lớn, thép xây dựng Hòa Phát khẳng định năng lực cạnh tranh trên thị trường
KLH hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 công suất 350.000 tấn, với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đang chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2012 có công suất 700.000 tấn gần gấp đôi công suất giai đoạn 1, nhưng vốn đầu tư chỉ là 3.600 tỷ đồng do tận dụng cơ sở hạ tầng dự án đã đầu tư trong giai đoạn 1.
Nâng quy mô sản xuất chỉ là một lợi thế, quan trọng hơn là KLH gang thép Hòa Phát tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thép về giá thành, về chất lượng nhờ ưu thế công nghệ.
KLH sản xuất thép theo công nghệ lò cao, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam. Công nghệ này khác với công nghệ lò điện, phổ biến ở các nhà máy thép trong nước hiện nay. Lò điện, sản xuất phôi thép từ thép phế (chủ yếu nhập khẩu) và sử dụng điện. Còn lò cao luyện quặng sắt (khai thác 100% trong nước) thành gang, từ gang luyện thành phôi thép. Nhiên liệu đốt lò cao chủ yếu là than cốc và sử dụng thêm một phần điện.
KLH gang thép của HPG tại Hải Dương xây dựng trên khu đất rộng gần 140 ha, gần cảng biển Hải Phòng, gần quốc lộ 5 thuận lợi vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm cả bằng đường bộ và đường thủy. KLH được đầu tư đồng bộ gồm: nhà máy sản xuất than Coke đầu tiên với quy mô lớn tại Việt Nam, nhà máy nhiệt điện, nhà máy chế biến nguyên liệu, nhà máy luyện Gang, nhà máy Phôi thép và nhà máy Cán thép. Các nhà máy sản xuất trong KLH tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng, đem lại lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp cho sản phẩm.
Cụ thể, nhà máy sản xuất than coke Hòa Phát (sử dụng nguyên liệu chủ yếu là than mỡ (80%) nhập khẩu từ Úc) đã đầu tư xong giai đoạn 1 với công suất 350.000 tấn/năm, đang đầu tư giai đoạn II cũng với công suất 350.000 tấn/năm nâng tổng công suất của Nhà máy than coke lên 700.000 tấn/năm. 50% sản lượng than cốc sản xuất ra được sử dụng làm nguyên liệu cho KLH và 50% còn lại xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu, Nhật bản, Hàn quốc, Ấn Độ.
Than cốc là mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu ở Trung Quốc với thuế xuất khẩu 40%. Thị trường xuất khẩu than cốc rất rộng lớn khi sản phẩm than cốc của Hòa Phát sản xuất ra đến đâu xuất ngay đến đó.
Năm 2010, lợi nhuận từ than cốc đem lại cho HPG hơn 350 tỷ đồng. Do tính hiệu quả của việc sản xuất than cốc, ông Dương cho biết, Tập đoàn đã tính đến triển khai đầu tư giai đoạn 3 của Nhà máy than cốc.
Sản phẩm than coke của Hòa Phát ra lò
Tận dụng nhiệt dư từ Nhà máy than cốc, HPG sẽ sản xuất 40 MW điện đáp ứng một phần tổng nhu cầu 160 MW điện cho hoạt động của KLH.
Ổn định nguyên liệu về số lượng và chất lượng là điều kiện quan trọng cho hoạt động của một KLH. Để chủ động nguyên liệu quặng sắt cho luyện gang đúc thành phôi thép, Hòa Phát đã đầu tư vào 2 mỏ quặng Tùng Bá và Sàng Thần tại tỉnh Hà GIang (cách Hà Nội 300 km về phía bắc). Trữ lượng mỏ Tùng Bá hơn 7 triệu tấn, đang mở rộng thăm dò trữ lượng 20 triệu tấn và mỏ Sàng Thần trữ lượng 31 triệu tấn. Quặng khai thác tại hai mỏ được chế biến thành tinh quặng sắt hàm lượng hơn 60% vận chuyển về KLH. Hai nhà máy chế biến tính quặng đều đã hoạt động ổn định.
Ông Dương khẳng định, trữ lượng 2 mỏ đủ đáp ứng 100% nguyên liệu cho KLH hoạt động 20 đến 30 năm. Hiện tại, giá thành sản xuất quặng của HPG đang thấp hơn giá quặng sắt nhập khẩu trên thị truờng khoảng 35% .
Nhà đầu tư thăm quan nhà máy Vị Xuyên tinh chế quặng khai thác từ mỏ Tùng Bá tại Hà Giang
So sánh với nhà máy thép sử dụng công nghệ lò điện mà Hòa Phát đã đầu tư từ năm 2001 tại Hưng Yên, ông Dương cho biết, công nghệ lò cao mang lại tỷ suất lợi nhuận gấp rưỡi lò điện.
Khi KLH đi vào hoạt động, Hòa Phát cho ra đời sản phẩm thép tốt hơn, đồng thời sản xuất được sản phẩm thép đường kính lớn hơn dùng trong các công trình lớn xây dựng cầu đường. Hòa Phát là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất thép D55, với mác thép cao chuyên dùng xây dựng cầu lớn và nhà siêu cao tầng.
Khi giai đoạn 2 KLH đi vào hoạt động, Hòa Phát tự sản xuất được 40 MW điện để cung cấp một phần cho KLH. Nhìn về dài hạn, khi giá điện trong nước tăng lên KLH sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Chỉ số sử dụng điện của lò điện là 600 KW/h thì KLH với công nghệ lò cao chỉ sử dụng hơn 200 kw/h và than coke làm nhiên liệu.
Khi đó, ông Dương cho biết, giá thành sản xuất thép Hòa Phát đã tiệm cận với giá thành sản xuất thép trong khu vực nên Hòa Phát chiếm ưu thế cạnh tranh với nhà sản xuất trong nước và không ngại cạnh tranh với thép ngoại, nhất là khi Hòa Phát đã tổ chức tốt khâu phân phối và mở rộng thị trường cho sản phẩm của KLH.
Bất động sản, sẽ thay đổi cơ cấu lợi nhuận của Tập đoàn
Bất động sản dự kiến sẽ đóng góp 30% lợi nhuận của Hòa Phát sau hai ba nắm tới, làm thay đổi cơ cấu lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát hiện nay
Hòa Phát đã chuẩn bị đầu tư kinh doanh bất động sản ngay từ khi tái cơ cấu Tập đoàn, chuẩn bị niêm yết. Đến nay, Hòa Phát đã triển khai đầu tư nhiều dự án chung cư cao cấp, khu đô thị lớn ở Hà Nội và khu đô thị Phố Nối ở Hưng Yên, ngoài 2 dự án KCN Phố Nối A (Hưng Yên) và Hòa Mạc (Hà Nam).
Dự án Tòa nhà văn phòng, TTTM và chung cư cao cấp 257 Giải Phóng (Hà Nội) là dự án đầu tiên đóng góp vào lợi nhuận của Hòa Phát từ năm 2010 đã xây thô đến tầng 7, dự kiến giao nhà đầu năm 2012. Tòa nhà này cao 24 tầng gồm 133 căn hộ với 12,221 m2 sàn kinh doanh căn hộ, 2.742 m2 sàn kinh doanh văn phòng có tổng vốn đầu tư dự kiến 318,19 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến khoảng 120 tỷ đồng. Toàn bộ sản phẩm căn hộ của dự án đã bán hết.
Toàn bộ số căn hộ dự án 257 Giải Phóng đã có khách hàng ký hợp đồng mua
Dự án tiếp theo là Khu phức hợp Mandarin Garden, đang thi công cọc, nằm trên mặt tiền đường Hoàng Minh Giám tại phía Tây Hà Nội, cạnh trường chuyên Amstecdam nổi tiếng của Hà Nội, khách sạn Grand Plaza 6 sao. Diện tích đất xây dựng dự án là 25.886 m2, gồm 4 block nhà cao 21 đến 29 tầng. Căn hộ Mandarin dự kiến bán ra thị trường trong quý I năm 2011.
Dự án Mandarin Garden được xây dựng trên khu đất vàng của khu vực đô thị mới phát triển Tây Hà Nội
Tập đoàn Hòa Phát đã tham gia góp vốn hơn 20% cùng ACB, Viettel, Vinaconex đầu tư dự án KĐT Đại Mỗ – Tây Mỗ quy mô 281 ha tại phía Tây Nam Hà Nội. Dự án này tiếp giáp với đường Láng Hòa Lạc, liền kề với khu vực phát triển Mỹ Đình hiện nay thêm và sẽ là trung tâm mới của Hà Nội trong tương lai. UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của dự án.
Mô tả vị trí KĐT Đại Mỗ – Tây Mỗ quy mô 281 ha tại phía Tây Nam Hà Nội
Hòa Phát cũng là chủ đầu tư khu đô thị mới Phố Nối A huyện Mỹ Hào và Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội 25 km về phía Đông Nam sẽ trở thành khu độ thị vệ tinh của Hà Nội. Dự án được tỉnh Hưng Yên phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phân khu A. Phân khu A theo tính toán đến năm 2020 sẽ có diện tích xây dựng đô thị là gần 4,5 triệu m2 với dân số gần 4 vạn người, 100% là dân số phi nông nghiệp, tương đương đô thị loại IV. Dự án này sẽ đóng góp một phần quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát trong giai đoạn 2011 – 2015.
Theo tính toán của Ban giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, với sự tăng trưởng ổn định ở tất cả các lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn, được sự hỗ trợ của 2 ngành mũi nhọn là thép và bất động sản thì tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát từ năm 2011 sẽ cao hơn tỷ lệ tăng vốn điều lệ và lợi nhuận của toàn Tập đoàn sẽ tăng đột biến khi các dự án lớn được hoàn thành trong các năm 2012 đến 2015.
<p style=”text-align: right;” align=”justify”>Nguồn: hoaphat.com.vn</p>