Từng là công việc “hái ra tiền”, nhưng nhiều tài xế xe ôm công nghệ như GrabBike, GoRide hay beBike giờ đây ngán ngẩm vì ế cuốc, kiếm tiền không đủ nuôi gia đình.
Qua rồi thời hoàng kim
Cách đây 3-4 năm, chạy xe ôm công nghệ là công việc “hái ra tiền” của nhiều người. Không chỉ có lao động tự do, mà rất nhiều sinh viên, thậm chí là những cử nhân đua nhau đăng ký trở thành tài xế của các hãng xe công nghệ.
Dù công việc này không có mức thu nhập cố định, nhưng trung bình một ngày, tài xế xe công nghệ có thể mang về thu nhập 500-600 nghìn đồng.
Đây được cho là khoản thu nhập đáng kể, bởi việc lái xe công nghệ hầu như không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng hay điều kiện nào. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tài xế bắt đầu ngấm đòn khi coi chạy xe ôm công nghệ là nguồn thu nhập chính.
Năm 2018, anh Nguyễn Trọng Vũ (35 tuổi) bỏ ngang công việc nhân viên văn phòng với mức lương 7 triệu đồng/tháng ở TPHCM để chạy GrabBike vì thu nhập cao, thời gian linh hoạt.
Đến nay, anh Vũ đã “vỡ mộng” khi công việc này quá vất vả, thu nhập giảm sâu so với thời điểm ban đầu.
Dắt xe ra khỏi nhà trọ từ 6h sáng, nhưng đến 9h, nam tài xế mới chỉ được nhận 1 cuốc xe ngắn với thu nhập gần 20 nghìn đồng. Làm việc đến 21h cùng ngày, anh hoàn thành 9 cuốc xe với thu nhập chưa đạt 200 nghìn đồng.
“Thời điểm bắt đầu vào nghề, mỗi ngày chăm chỉ chạy từ 12 tiếng trở lên, thu nhập dao động khoảng 400-500 nghìn đồng một ngày, ngày cao điểm có thể đạt mốc 700-800 nghìn đồng” – anh Vũ nói.
Tuy nhiên, khi số lượng người đăng ký làm tài xế càng nhiều, mức độ cạnh tranh càng cao và khách hàng, số cuốc của mỗi tài xế sẽ phải chia đều cho nhau, thu nhập cũng theo đó mà giảm sút.
“Thu nhập tầm đó để lo cho bản thân còn chật vật, huống chi chu cấp cho gia đình. Với nguồn thu như trên, tôi không biết có thể bám trụ với nghề này đến bao giờ”, tài xế quê Bình Dương cho hay.
Là tài xế công nghệ hơn 5 năm, anh Nguyễn Văn An (35 tuổi, ngụ TPHCM) cũng thẳng thắn thừa nhận, chưa từng chứng kiến cảnh vắng khách như hiện nay và thu nhập giảm rõ rệt.
Dù làm việc từ 10-12 tiếng/ngày, nhưng thu nhập trung bình chỉ 200-300 nghìn đồng/ngày, giảm khoảng 50% so với thời điểm trước. Nếu trừ đi chi phí sinh hoạt, xăng xe, ăn uống… thu nhập chẳng còn lại chẳng là bao.
Chỉ như “phao cứu sinh”
Theo một nghiên cứu giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng công bố vào cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200 nghìn lái xe công nghệ của Grab, có mặt ở 46 tỉnh, thành. Trong đó, 26% lái xe công nghệ của Grab có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Trước đó 3 năm, Grab ghi nhận có khoảng 175 nghìn tài xế. Giữa năm 2021, Gojek cũng chạm mốc 200 nghìn đối tác tài xế xe hai bánh tại Việt Nam. Hãng Be cũng có tới hơn 100 nghìn tài xế vào đầu năm 2021.
Thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đang là cuộc đua của Grab, Gojek và Be. Theo chia sẻ của nhiều tài xế chạy xe công nghệ, mức chiết khấu cố định hiện tại của tài xế GoRide là 30%, GrabBike là 31% còn beBike không niêm yết cụ thể khoản thu này, nhưng dao động trên dưới 39%.
Trong khi đó, cách đây 1 năm, mức chiết khấu cố định của GrabBike và GoRide mới chỉ dừng lại ở 20%, beBike tầm khoảng 25%.
Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, dù từng là công việc “hái ra tiền” của lao động phổ thông, tuy nhiên đây vốn là công việc không cần tay nghề, ai cũng làm được nên lượng tài xế ngày càng tăng khiến cho cung vượt cầu.
Theo ông Điền, thời điểm này, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Chuyên gia dự đoán sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được “trả” lại cho những ngành nghề khác.
TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, không nên xem công việc lái xe ôm công nghệ là một nghề ổn định, bởi nó chỉ như “phao cứu sinh” khi lao động chưa có tay nghề hoặc đang không biết làm gì. Công việc này chỉ có thể giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi, không phải là công việc mang lại sự ổn định lâu dài, nghĩa là nó không bền…
Nguồn : https://laodong.vn/xa-hoi/tai-xe-ngam-don-khi-coi-xe-om-cong-nghe-la-nguon-thu-nhap-chinh-1223187.ldo