Một không gian sống chật chội khiến bạn thật khó để thiết kế và trang trí. Với rất nhiều món đồ khác nhau, căn nhà của bạn dễ trở thành một nơi luộm thuộm, lôi thôi, bừa bộn. Vậy làm sao để tạo nên không gian sống sang trọng, thoải mái mà vẫn đầy đủ tiện nghi trong căn phòng này? Hãy cùng chúng tôi tham khảo ý tưởng cải tạo không gian cho căn phòng cấp 4 của một ngôi nhà dưới đây nhé!
Điểm xuất phát đầu tiên của kế hoạch chính là cảm hứng. Hãy lấy cảm hứng ngay từ những hoa văn trên vải để trang trí cho căn phòng của mình.
1. Thêm yếu tố nghệ thuật vào không gian sống
Chủ nhân của căn phòng là một người đam mê nhiếp ảnh, vì thế, trong không gian không thể thiếu được những hình ảnh nổi trội nhất, tác phẩm hoàn mĩ nhất của họ. Chúng tôi đã lựa chọn một bức ảnh tuyệt đẹp, đóng khung trong hộp ánh sáng làm thỏa mãn sở thích của chủ nhân căn phòng, lại thêm chút nghệ thuật cho không gian sống.
2. Trộn lẫn những điều khác biệt
Chúng tôi đã sử dụng hai tông ghế khác nhau trong khu vực tiếp khách nhưng đệm bọc lại cùng một loại vải có hoa văn giống nhau. Hoa văn hình học phù hợp với ghế phong cách hiện đại. Vải pha trộn giữa xám và màu be hòa với màu gỗ ấm áp đơn giản mà thanh lịch.
3. Tận dụng những nội thất cổ điển
Chúng tôi đã tìm được một chiếc ghế cổ điển McCobb Paul với giá thấp không thể tin được, chúng tôi đã mua ngay mà không cần do dự một chút nào. Với phong cách của chiếc ghế này, nó có thể hiện diện ở bất kì căn phòng nào. Điều quan trọng là bạn biết cách sắp xếp hợp lí những nội thất hiện đại và cổ điển trong một không gian.
4. Cửa sổ cũng cần tỉ mỉ
Chúng tôi treo rèm cao hơn một chút so với bình thường để tạo độ cao của không gian. Chọn thanh suốt bằng kim loại phủ nhũ lấp lánh giúp cho căn phòng trông sáng sủa hơn hợp với cầu thang bạn sẽ được thấy ở mục sau.
5. Sử dụng đồ nội thất cấu tạo đơn giản
Trong không gian sống nhỏ, có nhiều khu vực chức năng thì bạn nên sử dụng các đồ nội thất đơn, không tù cạnh, không bít kín khoảng không phía dưới, càng tối giản càng tốt. Trong phòng khách, chiếc ghế sofa cồng kềnh đã được thay thế bằng những chiếc ghế mảnh dẻ.
6. Sáng tạo một tấm thảm mới
Tìm một tấm thảm phù hợp với hoa văn ghế và phong cách trong căn phòng cùng với khả năng định vị khu vực tiếp khách là một khó khăn cho chúng tôi. Một thoáng ý tưởng trong đầu là chúng tôi sẽ may 2 thảm nhỏ lại với nhau. Bỗng dưng, các đường hoa văn không xếp hàng hoàn hảo lại tạo hiệu ứng đặc biệt tuyệt vời. May hai tấm thảm nhỏ với nhau chi phí thấp hơn là mua một tấm thảm lớn.
7. Quan tâm tới sự an toàn của trẻ
Trẻ em và phong cách nội thất không loại trừ nhau, bạn hoàn toàn có thể tìm được nội thất phù hợp khi nhà có trẻ con, đó là những chiếc ghế và bàn tròn không có cạnh sắc nhọn phòng khi các con ngã vào có thể bị thương. Có tủ lưu trữ, khi khách tới, đồ chơi sẽ được cất hết vào trong mà bạn không cần phải lúng túng sắp xếp nữa.
8. Chú ý lối đi thông giữa các khu vực
Việc bố trí nội thất cho không gian sống cần phải thích ứng với thói quen sinh hoạt, đi lại của thành viên trong gia đình và tận dụng được tất cả các khu vực có thể sử dụng. Lối vào như trên đã nói, nên để một chiếc tủ dài và hẹp để đựng đồ, bên cạnh là bộ bàn ghế dưới chân cầu thang, nơi hoàn toàn có thể ngồi sử dụng tiếp khách.
9. Các bức tường đều đặc biệt
Bức tường làm cho căn phòng trở nên tuyệt vời hơn nếu phù hợp với từng khu vực chức năng. Sự nhẹ nhàng của tường màu trắng với những khung ảnh nổi bật tạo nên vẻ thân thiện ở khu vực tiếp khách. Còn tường kết cấu với những đồ họa hình học tạo phong cách cho phòng ăn.
10. Lặp lại phong cách mà không nhàm chán
Sự lặp lại chính là cách thống nhất trong một không gian. Nhưng không lặp lại một cách thái quá. Gương và bóng đèn trong phòng khách phù hợp với bàn và ánh sáng lấp lánh trong phòng ăn. Khi trong phòng có quá nhiều những đường góc cạnh thì những vật dụng hình tròn sẽ làm không gian mềm mại hơn.