Những ngày trở lại đây, thời tiết ở một số vùng có nhiệt độ giảm sâu, rét hại. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng về việc đi học của học sinh.
Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, phụ huynh có con học lớp 2 như chị Hoàng Mai Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều đắn đo, chị Phương nghĩ rằng nên có kì nghỉ đông để học sinh có thể đảm bảo sức khỏe khi thời tiết rét đậm.
“Thay vì có thời gian nghỉ hè quá dài suốt 3 tháng, học sinh nghỉ lâu, tạo cảm giác việc học không đồng đều, khoảng trống lớn thì nên chia đều thời gian kỳ nghỉ giữa mùa hè và mùa đông. Điều này cần được cân nhắc khi thời tiết Việt Nam ngày càng biến đổi, nhiệt độ cũng chênh lệch thất thường, lúc quá nóng, có khi giảm sâu, rét hại” – chị Phương bày tỏ quan điểm.
Cũng theo chị Phương, với nhiệt độ rét hại như hiện nay ở một số vùng, vấn đề quy định về kì nghỉ tránh rét cho học sinh là rất cần thiết.
“Tôi rất đồng tình với việc cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp (từ dưới 10 độ C) để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh” – chị Phương nói.
Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh khác lại không đồng tình với đề xuất có thêm kì nghỉ đông cho học sinh, thay vào đó là kế hoạch nghỉ học tránh rét linh hoạt với từng khu vực.
Anh Trương Tuấn Kiệt – phụ huynh có con học lớp 4 ở quận Hà Đông (Hà Nội) lại không tán thành với phương án nghỉ động cho học sinh. Anh Kiệt nêu ý kiến: “Thời tiết thay đổi thì nên cho các con tiếp cận, thích nghi hoàn cảnh, đề kháng của bản thân khi nhiệt độ còn nhiều biến động hơn nữa. Đồng thời hiện tại Hà Nội và các trường học gần như đã có đầy đủ cơ sở vật chất, đặc biệt nhiều lớp có lắp đặt điều hòa hai chiều, đảm bảo giữ ấm cho học sinh”.
Bên cạnh đó, anh Kiệt nhìn nhận, điều kiện cuộc sống của các gia đình bây giờ cũng đã tốt, khi ra đường, các con sẽ được trang bị đầy đủ áo quần giữ ấm.
“Vì vậy, bản thân tôi nhận thấy, các cơ quan liên quan, trường học cần có kế hoạch riêng cho từng khu vực, kiểm định mức độ nhiệt cũng như cơ sở vật chất, điều kiện sức khỏe con trẻ từng khu vực để đưa ra các giải pháp phòng chống, thích ứng phù hợp, đảm bảo chương trình học” – anh Kiệt góp ý.
Đánh giá về đề xuất có nên thêm kì nghỉ đông cho học sinh, trao đổi với Báo Lao Động ngày 25.1, PGS.TS Ngô Văn Giá – Nguyên Trưởng khoa Viết văn, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, một năm nên chia lịch ra để có nhiều đợt nghỉ. Mỗi đợt nghỉ có thể kéo dài khoảng chục ngày. Nếu thời tiết giảm nhiệt độ quá sâu, các trường nên chủ động, linh hoạt để học sinh có thể ở nhà.
“Kì nghỉ đông hay hè cũng là quãng thời gian để học sinh nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và giảm đi những ảnh hưởng của thời tiết đối với các em. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện đảm bảo để làm sao thống nhất, phù hợp với kế hoạch thời gian năm học chung của toàn quốc. Đây là điều các địa phương và trường học đang làm để tạo điều kiện tốt nhất cho các em” – PGS.TS Ngô Văn Giá nhấn mạnh.
Nguồn:https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-de-xuat-ki-nghi-dong-cho-hoc-sinh-1297116.ldo